Tổng hợp cách làm các loại mứt trái cây Tết cực ngon, cực đơn giản
Mứt Tết là một trong những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều chị em thường thích tự làm mứt Tết cho gia đình cùng thưởng thức thay vì mua mứt ở bên ngoài. Thấu hiểu điều này, trong bài viết hôm nay, Sapakitchen sẽ tổng hợp cho chị em một số cách làm mứt trái cây đơn giản nhưng cực thơm ngon, hấp dẫn để chị em có thể vào bếp trổ tài trong dịp lễ sắp tới.
1.Mứt dừa
Nguyên liệu:
Cùi dừa non 1 kg
Đường cát 400g
Sữa tươi không đường 100 ml
Vani 1 ống
Cách làm
Sơ chế nguyên liệu
Chặt dừa làm tư rồi dùng dao nạo phần cùi dừa ra. Xắt cùi dừa thành miếng vừa ăn, thái sợi, hoặc cắt thành miếng to. Bạn có thể dùng khuôn cắt bánh quy để tạo các hình dạng xinh xắn cho miếng dừa.
Rửa phần cùi dừa dưới vòi nước lạnh, rửa vài lần cho đến khi nước trong là được. Bắc nồi nước lớn lên bếp, luộc dừa sơ trong 1 phút rồi chắt bỏ nước, đổ dừa ra rây cho ráo nước.
Ướp dừa
Trộn dừa với 400gr đường và ướp như vậy trong vòng 3- 4 tiếng cho đường ngấm vào dừa. Nếu bạn muốn làm dừa có nhiều màu sắc, ở bước này bạn chia dừa thành nhiều phần nhỏ ngâm riêng biệt trong các loại nước màu tự nhiên:
Màu xanh lá cây: Lá dứa cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc vào xay nhuyễn, lọc vắt lấy nước cốt.
Màu vàng của tinh bột nghệ: Hòa tan hoàn toàn tinh bột nghệ trong nước ấm sau đó cho dừa vào ngâm. Bạn nên cho ít tinh bột nghệ để hạn chế vị chát của nghệ làm ảnh hưởng đến mứt.
Ngoài ra bạn có thể ngâm dừa với cà phê, ca cao: Cho tầm 1-2 muỗng nhỏ bột cà phê/cacao hòa tan vào nước rồi ngâm dừa vào (không nên cho quá nhiều cà phê hoặc cacao vì sẽ làm mứt bị đắng không ngon).
Màu tím: Củ dền cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc vào xay nhuyễn, lọc vắt lấy nước cốt.
Màu đỏ: Cà rốt cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc vào xay nhuyễn, lọc vắt lấy nước cốt.
Sên dừa
Sau khi ướp, bạn bắc chảo lên bếp, đun nóng chảo chống dính và cho dừa vào đảo đều với lửa nhỏ. Đến khi nước đường sánh lại, bạn thêm sữa tươi (sữa đặc) và vani vào và tiếp tục đảo đều tay đến khi dừa khô lại và đường kết tinh màu trắng bám xung quanh miếng dừa thì tắt bếp.
Vậy là bạn đã có dĩa mứt dừa thơm ngon đủ vị cho ngày lễ Tết rồi.
2. Mứt xoài dẻo
Nguyên liệu
Xoài chín 4 trái(không dùng xoài quá chín)
Vôi tôi 1 muỗng cà phê
Đường 400 g
Cách làm
Sơ chế nguyên liệu
Gọt vỏ xoài, cắt xoài làm đôi, bỏ hạt, ngâm thịt xoài vào tô nước lạnh pha muối trong 30 phút. Hết thời gian, vớt ra rửa sạch lại dưới vòi nước. Cắt xoài thành miếng vừa ăn.
Hòa tan phần vôi tôi với một tô nước lạnh, chờ khoảng nửa tiếng cho cặn vôi lắng xuống đáy, múc lấy phần nước vôi bên trên và đổ bỏ phần cặn.
Ngâm những miếng xoài vào nước vôi khoảng 2-3 tiếng. Chắt bỏ nước, vớt xoài ra rửa sạch lại nhiều lần trong nước sạch. Gắp xoài ra rá để cho ráo nước.
Chế biến mứt xoài
Cho 400g đường vào nồi chống dính, bỏ xoài vào xóc đều cho đến khi đường phủ đều khắp mặt của miếng xoài, để khoảng 2, 3 tiếng cho đường tan.
Sau khi ướp xoài với đường, bạn đặt nồi lên bếp vặn lửa liu riu, nấu cho đường tan hết và vớt bọt. Sên mứt trong 40 đến 50 phút cho đến khi nước đường chuyển màu cánh gián và xoài mềm và dẻo ra thì tắt bếp.
Hong khô mứt
Vớt xoài chuyển ra khay để ráo và hong khô ngoài trời khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ. Tiếp đến bạn rải đường ra đĩa, gắp xoài lăn qua đường để phủ một lớp mỏng đường cát bên ngoài miếng xoài.
Cuối cùng bạn cho xoài vào hộp thuỷ tinh đậy kín và bảo quản ở nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Bạn có thể bảo quản chúng trong ngăn mát tủ lạnh.
3. Mứt đu đủ
Nguyên liệu
Đu đủ xanh
Đường cát trắng
1 bát nước vôi trong
1 chút muối
1 chút vani
1 cục nhỏ phèn chua
Cách làm:
Sơ chế nguyên liệu
Trước tiên bạn gọt sạch vỏ đu đủ, bổ đôi và cắt bỏ phần ruột đu đủ và đem thái sợi to bằng đầu đũa. Ngâm đu đủ trong chậu nước muối loãng 15 phút thì vớt ra rửa lại cho sạch.
Đổ đu đủ vào thố to rồi cho 1 thìa cà phê muối, xóc đều sau đó bạn dùng tay bóp kỹ vài phút cho đu đủ mềm, rửa lại thêm một lần nữa là xong.
Cho đu đủ vào thố sau đó đổ nước vôi trong ngập đu đủ, ngâm 3-4 tiếng rồi đem rửa sạch cho hết mùi vôi.
Đổ nước vào nồi đun sôi thì cho 1 cục nhỏ phèn chua vào cùng, tiếp theo bạn cho đu đủ vào chần sơ qua khoảng 1 phút là vớt ra ngay, ngâm đu đủ vào chậu nước lạnh 5 phút cho nguội, vớt ra để thật ráo nước.
Ướp đu đủ
Cho đu đủ vào âu rồi cân lên, cứ 1kg đu đủ bạn cho 600-700gr đường. Trộn đều và ướp đu đủ khoảng 6 tiếng hoặc qua đêm. Thi thoảng nên đảo đều để đu đủ ngấm đường hơn
Sên mứt đu đủ
Đổ tất cả nguyên liệu vào chảo chống dính và bật bếp nấu cho nước đường sôi lên, tiếp tục đun lửa liu riu và thi thoảng đảo đều tới khi nước đường rút cạn bớt thì cho vani vào cùng. Đảo liên tục cho tới khi mứt khô ráo có đường kết tinh bám trên miếng mứt thì tắt bếp. Đảo thêm vài phút nữa cho mứt khô ráo hoàn toàn mới thôi.
4. Mứt tắc (mứt quất)
Nguyên liệu
Tắc 500 gr (quất)
Gừng cắt sợi 1 nhánh
Mè trắng rang 1 ít
Đường 250 gr
Muối 1 ít
Cách làm
Sơ chế tắc (quất)
Tắc mua về bạn rửa qua nước muối pha loãng, sau đó rửa sạch vài lần với nước.
Bạn cắt bỏ cành sau đó cắt 8 đường đối xứng quanh quả tắc như tạo hình cánh hoa, bạn ấn dẹt 2 đầu quả tắc lại cho ra nước và hạt (giống như hình ảnh).
Bạn giữ lại 2 muỗng canh nước cốt tắc sử dụng khi ướp tắc nhé!
Ngâm và trụng tắc
Bạn cho vào tô 500ml nước và cho vào 1 muỗng canh muối hòa tan hỗn hợp, sau đó bạn cho vỏ tắc vào ngâm khoảng 2 tiếng.
Bạn rửa sạch vỏ tắc lại với nước, bạn dùng tay vắt thêm lần nữa cho vỏ tắc thật ráo nước.
Tiếp theo bạn đun sôi 1 nồi nước sau đó cho vỏ tắc vào trụng khoảng 2 phút, rồi bạn vớt vỏ tắc ra thả vào tô nước lạnh.
Bạn rửa vỏ tắc thêm 1 lần nữa với nước và vắt nhẹ cho vỏ tắc khô nước rồi bạn để ráo.
Ướp tắc
Bạn cho 250ml đường vào tô, thêm 2 muỗng canh nước cốt tắc đã vắt (ở bước 1), 1 muỗng cà phê muối bạn trộn đều hỗn hợp.
Bạn cho vỏ tắc vào tô hỗn hợp đường, sau đó cho vào thêm 1 nhánh gừng cắt sợi. Cuối cùng bạn mang hỗn hợp tắc đường đi phơi nắng khoảng 1 tiếng cho đường tan hoàn toàn.
Sên tắc
Bạn cho hỗn hợp tắc đường vào chảo chống dính , và sên ở lửa nhỏ, bạn không cần đảo nhiều, khi nước đường sôi thì bạn dùng đũa lật mặt còn lại của tắc lại là được.
Khi thấy phần nước đường đã gần khô, bạn vớt tắc ra đĩa, bạn tiếp tục sên phần nước đường trong chảo thêm 5 phút cho nước đường sệt lại, màu ngả vàng là được.
Bạn tiếp tục cho tắc vào đảo nhẹ tay lại một lần nữa cho tắc thấm nước đường rồi tắt bếp.
Sau đó bạn lấy mứt tắc ra xếp đều trên đĩa, cho thêm ít mè trắng rang cho mứt tắc thêm đẹp hơn.
Cuối cùng bạn mang đĩa mứt tắc ra phơi khô dưới nắng (khoảng 2 ngày mứt sẽ khô), hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh (mứt sẽ khô sau 1 ngày).
Mẹo vặt:
Để mứt không bị chảy nước và luôn đảm bảo độ tươi ngon thì công đoạn sên mứt là vô cùng quan trọng. Bạn phải đảm bảo sử dụng nồi/chảo chống dính để tránh việc mứt bị dính đáy nồi/chảo, gây ra việc cháy, khét làm hỏng món mứt. Nên chọn loại chảo cao cấp như chảo chống dính phủ đá Stoneline, chảo chống dính chính hãng Pháp Tefal hay các dòng khác đang được ưa chuộng trên thị trường Việt như chảo chống dính bếp từ Elmich, chảo chống dính Kangaroo, chảo chống dính Ceramic,…
Ngoài ra, Khi nước đường bắt đầu cạn dần, đường keo lại, đảo thấy nặng tay thì bạn vặn nhỏ lửa ở mức nhỏ nhất, phải đảo liên tục để tránh mứt dừa không bị cháy, đảo nhẹ tay để sợi mứt không bị đứt. Thời gian này nếu bếp để lửa to nước đường sẽ quá nóng, nhanh chóng chuyển sang màu caramel và không "lại" đường được, mứt dừa sẽ cháy.
Đảo đều tay, lúc dừa bắt đầu xuất hiện hạt đường trắng xung quanh sợi dừa thì tắt bếp, để nguyên mứt dừa trên chảo, đảo liên tục cho đường mau khô kết tinh lại là được. Bạn không nên đun trên bếp đến khi đường kết tinh hết, bởi làm vậy mứt dừa sẽ bị cứng quá, thậm chí là cháy, không dẻo ngon nữa.
Sau khi sên xong, bạn nên để nguội mứt trước khi cho vào hộp thủy tinh vì điều này sẽ tránh mứt bị chảy nước. Và một lưu ý khác để giữ mứt luôn khô ráo, bạn nên sử dụng hũ/hộp thủy tinh kín hơi để tránh không khí ẩm len vào làm hỏng mứt.
Hũ thủy tinh nắp hít tre SAPATA