Những điều cần nhớ để giữ sức khỏe khi mang cơm đi làm
Đưa cơm đi ăn trưa là thói quen phổ biến hiện nay của nhiều chị em văn phòng, tuy nhiên vẫn cần những lưu ý để đảm bảo sức khỏe.
Mang cơm đi làm để ăn trưa là thói quen đang nở rộ trong giới văn phòng. Việc đưa cơm hộp đi làm có thể mất thêm thời gian nấu nướng, chuẩn bị nhưng đổi lại sẽ được ăn cơm đảm bảo chất lượng, sạch và ngon. Mặt khác, so với đi ăn ở ngoài tiệm, đưa cơm đi làm cũng tiết kiệm đáng kể chi phí. Theo tính toán của các chị em, chỉ với 20.000 đồng - 30.000 đồng đã có bữa cơm trưa đủ chất, khẩu phần ăn đủ cho 1 người. Còn nếu ăn trưa ở quán ăn cũng mất 30.000 đồng- 45.000 đồng nhưng chất lượng thì không biết rõ như thế nào.
Một số chị em cho rằng, nếu suất cơm mang đi có giá tiền bằng ăn ở ngoài vẫn tiết kiệm được thời gian ngủ trưa và hơn hết là an tâm chất lượng. Tuy nhiên, việc đưa cơm đi ăn trưa cũng cần phải lưu ý để đảm bảo sức khỏe.
Hơn 1 năm nay, mỗi sáng đi làm chị Thái (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại xách thêm một hộp cơm nhỏ để ăn trưa. Trước đây, cơ quan chị nấu cơm trưa cho nhân viên nhưng sau chỉ cấp tiền ăn, mọi người tự túc. Mỗi buổi trưa chị phải đi 1-2km mới có quán ăn. Tuy nhiên, ăn mãi một vài quán bị ngấy, nếu đi xa thì không kịp giờ làm buổi chiều. Cho nên chị quyết tâm mang cơm đi làm.
"Mỗi sáng, tôi dậy sớm 30 phút để chuẩn bị nấu nướng. Các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước. Tôi không nấu sẵn vì đồ ăn để qua đêm sẽ không đảm bảo chất lượng. Ăn như vậy vừa an tâm lại tiết kiệm tiền, thời gian đáng kể để nghỉ trưa", chị Thái nói.
Lưu ý khi mang cơm đi ăn trưa
Bác sĩ dinh dưỡng Thúy Nga cho biết, khi đưa cơm trưa đi ăn cần chọn món ăn đơn giản như rau, trứng, thịt, cá... không làm cầu kỳ nhiều vị. Bởi như vậy rất dễ bị thiu, lỉnh kỉnh tốn thời gian. Không nên nấu canh, để qua đêm sáng sớm đun nóng rồi mang đi bởi như vậy sẽ làm rau bị biến chất và gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.
"Sau khi nấu đồ ăn xong, cần phải để các món ăn nguội bớt mới cho vào hộp đậy kín. Không nên để vào hộp ngay sẽ làm thức ăn bí hơi, nhanh bị bốc mùi, dẫn đến thiu.
Có thể lấy giấy bạc (loại đóng hộp giấy, dùng khi nấu ăn), xé thành các miếng vuông hơi to 1 chút, đựng thức ăn, như vậy có thể xếp cùng lúc 2, 3 thức ăn cùng nhau mà không sợ bị lẫn", bác sĩ nói.
Tránh đóng vào hộp đồ có nước, dễ bị chảy bẩn ra ngoài, hoặc làm lẫn vị các món. Sau khi xào rau, có thể cho lên 1 giá nhỏ, sạch, chờ độ 10 phút cho chảy bớt nước xuống rồi mới đóng vào hộp.
Bạn nên chọn hộp chuyên dụng đưa cơm, kèm núm nắp nhỏ trên cùng. Núm nắp này có thể giúp bạn mở ra một chút giúp cơm, canh không bị ôi hay có mùi sau một buổi đậy kín. Nếu cơ quan có tủ lạnh, bạn có thể để cơm, canh, đồ ăn mặn vào tủ lạnh sau đó quay bằng lò vi sóng khi ăn.
Trước khi ăn, bạn nên bỏ chút thời gian quay nóng đồ ăn bằng lò vi sóng. Nhưng cần nhớ đóng kín nắp khi đun nóng đồ ăn, giữ chất và tránh đồ ăn bị khô cứng kém ngon miệng. Việc đun nóng bằng lò vi sóng giúp đồ ăn được nóng, tránh bị lạnh bụng hay khó tiêu hóa. Tuyệt đối không mang theo đồ ăn thừa của ngày hôm trước đi làm, bởi qua đêm thức ăn đã biến chất một phần hoặc hoàn toàn, không tốt cho sức khỏe.
Với món thịt nên chọn ít mỡ, nạc nhiều hơn. Bởi khi ăn đồ để cả buổi sáng, nếu nhiều mỡ sẽ ngấy và khi đun nóng sẽ tiết ra nhiều mỡ làm tăng cảm giác ngán khi ăn cơm.
Món rau nên chọn các loại thân củ như nấm, củ cải, cà chua..không nên cho quá nhiều rau xanh. Nếu cho quá nhiều rau xanh, trong khi đun nóng sẽ giảm bớt chất dinh dưỡng.
Nguồn: Vietnamnet